Nhằm thúc đẩy tiến trình chung và tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về việc phụ nữ hai nước tham gia vào khoa học, chiều 27/3/2025, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga) tổ chức Hội thảo trực tuyến "Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học công nghệ".
Đại biểu tham dự Hội thảo tại hai đầu cầu Việt Nam và Liên bang Nga
Tham dự Hội thảo có các đại biểu: Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; Quyền Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại TP. Xanh Pê-téc-bua Vyacheslav Gennadyevich Kalganov; Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Anna Vetoshkina cùng gần 90 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Yhành phố Xanh Pê-téc-bua, các nhà khoa học nữ, giảng viên và sinh viên đến từ Việt Nam và Liên bang Nga.
TS. Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khai mạc Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về: i) Tiến trình khoa học công nghệ và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái – TS. Elena I.Kalinina, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP. Xanh Pê-téc-bua; ii) Định hướng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ - Ths. Lê Thị Khánh Vân, Hội Nữ Trí thức Việt nam; iii) Đối ngoại nhân dân – mục tiêu của chúng ta – Bà Mảgarita F. Mudrak, Chủ tịch Hiệp hội hợp tác quốc tế; iv) Phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ tại Nga – thành tựu, thách thức và bài học kinh nghiệm – Bà Anna Den, Đại học Sư phạm quốc gia Nga mang tên Herzsen.
Mang đến Hội thảo một bức tranh thực tế theo chủ đề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch HĐQT Viện thành viên HĐQT Việt Nam Hà Thu Thanh đã chia sẻ chuyên đề “Kinh nghiệm ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh của nữ doanh nhân Việt Nam”.
Theo Phó Chủ tịch VAWE Hà Thu Thanh, được Bộ Nội vụ cho phép thành lập năm 2014, VAWE là tổ chức cấp quốc gia duy nhất đại diện cho nữ doanh nhân Việt Nam, hiện có gần 10.000 hội viên tại các tỉnh, thành trên cả nước. Hơn 90% doanh nghiệp do nữ làm chủ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Các doanh nghiệp hàng đầu do nữ làm chủ đang áp dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế của thế giới, đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các DNNVV cũng nắm bắt xu thế và tận dụng công nghệ AI để quản trị doanh nghiệp một cách tốt nhất và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ các DNNVV thực hiện chuyển đổi số hiện còn thấp, chỉ khoảng 28%. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng gần 75% doanh nghiệp hội viên của VAWE đang sử dụng các phần mềm quản lý (phần mềm kế toán, quản trị nhân sự, quản lý nhà cung cấp, bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản lý kho hàng, vận chuyển...) để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; sử dụng các công nghệ để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm; dây chuyền công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm; doanh nghiệp nông nghiệp số hóa truy xuất nguồn gốc v.v...
Do những hạn chế trong việc xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn nên ảnh hưởng đến việc xác định nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp do nữ làm chủ phải đối mặt với một số thách thức như: thiếu thông tin và tư vẫn công nghệ; thiếu vốn và chính sách tài chính phù hợp; thiếu nhân sự công nghệ; ngại thay đổi v.v...
Phó Chủ tịch VAWE Hà Thu Thanh: Công nghệ không phân biệt giới
Xu thế hiện nay “không phải là cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá bơi nhanh chiến thắng cá bơi chậm”. Các nữ doanh nhân Việt Nam đang nắm bắt và đi theo xu hướng này thông qua việc tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào hành trình “Chuyển đổi số”, “Chuyển đổi xanh”, xây dựng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thế hệ mới tại các Hội Nữ doanh nhân các tỉnh và là nhân tố tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số.
Như Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh "Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Song hành với đó là Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê, nghiên cứu khoa học cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước", thông qua Hội thảo này, hai tổ chức sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, gợi mở thêm những sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phụ nữ hai nước tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và phụ nữ hai nước trong lĩnh vực này.
Đại biểu tham dự Hội thảo tại đầu cầu trụ sở Hội LHPN Việt Nam