Bộ trưởng cho biết, FTA này được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.
Thông qua những yêu cầu và cam kết trong phát triển FTA như vậy, không chỉ các lĩnh vực quản lý nhà nước mà trong các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế đất nước cũng sẽ có những điều kiện thuận lợi để thụ hưởng những ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế, về tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thị trường lao động…
Phát biểu tại Hội nghị, các lãnh đạo từ một số Cục, Vụ chuyên ngành của Bộ Công Thương chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, cơ hội, thách thức mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU. Một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Đại diện từ khối doanh nghiệp chia sẻ quan điểm, quyết tâm và các kiến nghị đối với Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho triển khai các hoạt động sản xuất, thương mại theo khuôn khổ của EVFTA.
Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp, kiến nghị của đại biểu. Tiếp thu các ý kiến này, Bộ Công Thương sẽ triển khai trong Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan trong xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm thực thi EVFTA sau khi EVFTA được Việt Nam chính thức thông qua (dự kiến tháng 8.2020).
(Biên tập từ nguồn: http://dangcongsan.vn/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-tan-dung-co-hoi-thuc-thi-hieu-qua-evfta-556430.html)