Tin khác

Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2023

Ngày 13/12, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cùng đại diện các cục thuế, cục hải quan và trên 400 doanh nghiệp tham dự.

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính, ngành Thuế và ngành Hải quan trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các hoạt động kinh tế khó khăn khi có quá nhiều biến động của thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt sau đại dịch Covid 19. Những nỗ lực của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để DN giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, Nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính đã lấy mức độ hài lòng của DN làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, đối thoại chính sách được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau, nội dung đa dạng… thể hiện sự cầu thị và tư duy đổi mới trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát thế giới tăng cao … dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Tiếp nối truyền thống đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; 19 nghị định của Chính phủ; 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính). Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đã qua của năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội... thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý các cấp nên kết quả thu NSNN đã đạt những kết quả tích cực. Tính đến hết ngày 12/12, tổng thu NSNN đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cụ thể là ngành Thuế, ngành Hải quan cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay (09 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Chỉ số CCHC (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố. 

Đáng chú ý trong lĩnh vực thuế, đến nay hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, Thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế GTGT điện tử. Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Đối với các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, vui chơi giải trí...) áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tiếp đó, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), tạo thuận lợi cho NCCNN có thể truy cập từ bất cứ đâu trên thế giới. Tính đến ngày 30/11/2023 đã có 74 NCCNN thực hiện đăng ký; kê khai và nộp thuế thông qua Cổng với tổng số thuế các NCCNN đã nộp là gần 12.000 tỷ đồng. 

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2023, đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022... Cơ quan hải quan đã tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại và khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi...

Tính chung đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp trực tuyến. Trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 464 thủ tục (đạt tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ) qua đó giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao. 

 

Trong phần đối thoại, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng do hoạt động sản xuất kinh doanh rất đa dạng và chính sách luôn có độ trễ nhất định. Do đó các doanh nghiệp phản ánh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thực tiễn. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về thủ tục hoàn thuế GTGT, về hóa đơn điện tử, qui định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh; vấn đề đảm bảo uy tín cho DN khi xử lý chậm nộp thuế, một số qui định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp...

Trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất; hoàn thuế xuất nhập khẩu; kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế; quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa;  cơ chế hoàn thuế cho doanh nghiệp chế xuất... 

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất chung khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa cácdoanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành Thuế - Hải quan với các cơ quan hành chính...

Ngay tại hội nghị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các vụ, đơn vị đã đã trực tiếp giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với NSNN. Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển. Đồng thời, tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của Đất nước./.                                                    (Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/a7dbf383-f7cf-4b1e-b267-24803b35f8c7)

 

Ý kiến (0)
TIN MỚI

260 suất quà đã được trao cho bệnh nhân ung thư đang điều...

APEA là giải thưởng uy tín, thu hút đông đảo sự tham gia...

Hoạt động ký kết phối hợp này sẽ góp phần xây dựng mối...

Đây cũng là dịp để các thành viên Nhóm BDSS chia sẻ về...

Các Diễn giả đều là hội viên của HNEW và đã nhiệt tình...